QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG ĐOÀN TỈNH SƠN LA- NHỮNG MỐC SON LỊCH SỬ
Vào những năm cuối của thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20, sau khi thiết lập ách thống trị ở Việt Nam, thực dân pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên trên đất nước chúng ta. Tỉnh Sơn La có tài nguyên, thiên nhiên phong phú, nhưng địa bàn hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Năm 1933 sau khi đánh chiếm được Sơn La, thực dân Pháp khởi công xây dựng đường 41 từ Hà Nội đi Sơn La (nay là quốc lộ 6) và một số Xí nghiệp, Nhà máy ở thị xã và Thuận Châu để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và đàn áp phong trào. Lực lượng công nhân Sơn La được hình thành từ đấy và chủ yếu là phu làm đường.
Lao động trong lao khổ, lại được các chiến sỹ Cộng sản thuộc Chi bộ nhà tù Sơn La lãnh đạo và giác ngộ, lực lượng công nhân đã sớm đoàn kết với nhân dân các dân tộc trong tỉnh đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân và từng bước trưởng thành trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của TW Đảng và Bác Hồ, cùng với nhân dân cả nước, 9 năm kháng chiến trường kỳ, kết thúc là một chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử làm trấn động địa cầu (07/5/1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới. Thời kỳ lúc này đối với Tây Bắc là phải tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc để phát triển KT-XH, xây dựng cuộc sống mới ấm no và tiến bộ. Ngày 28/9/1954 Bộ Chính trị TW Đảng ra NQ về thiết lập khu tự trị Thái -Mèo, ngày 29/4/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập khu tự trị Thái-Mèo (sau đổi tên là khu tự trị Tây Bắc). Sau khi khu tự trị Tây Bắc được thành lập, nhiệm vụ hàng đầu là phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội được triển khai, các công nông trường được thành lập, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá xã hội được chăm lo và từng bước phát triển. Giai đoạn này lực lượng CNVCLĐ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, lên tới hàng chục nghìn người.
Để tập hợp đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước cho thời kỳ mới, ngày 12/5/1959 Ban Thường vụ Khu uỷ Tây Bắc quyết định thành lập Ban cán sự Liên hiệp Công đoàn khu do đ/c Nguyễn Văn Ninh làm Trưởng ban. Đây là tổ chức Công đoàn Việt Nam đầu tiên được thành lập và ra đời ở Tây Bắc và cũng là nền móng của tổ chức Công đoàn Sơn La nói riêng sau này.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III và NQ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II v/v tái lập tỉnh Sơn La, ngày 24/12/1962 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Sơn La; Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Uỷ ban Hành chính lâm thời tỉnh Sơn La. Đầu tháng 2/1963 sau khi xem xét đề nghị của Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn khu, ngày 10/02/1963 Tỉnh uỷ Sơn La ra quyết định số 03/TU về nhân sự Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn tỉnh Sơn La; ngày 25/02/1963 - cách đây vừa tròn 50 năm Tổng Công đoàn Việt Nam đã ra quyết định số 212/TCĐ thành lập Công đoàn tỉnh Sơn La do đ/c Đặng Học làm thư ký. Đây là một mốc son - dấu ấn lịch sử quan trọng của Tổ chức Công đoàn tỉnh Sơn La.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La, hoạt động công đoàn, phong trào CNVCLĐ và hệ thống tổ chức Công đoàn Sơn La không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong hơn 26 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, nhất là trong những năm gần đây hoạt động công đoàn luôn có bước phát triển mới. Mọi hoạt động của công đoàn đã hướng về cơ sở, sát đoàn viên và người lao động, hoạt động của công đoàn các cấp và phong trào CNVCLĐ đã bám sát mục tiêu KT-XH của địa phương, hoạt động có hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn trong xã hội. Toàn tỉnh hiện nay có 11 LĐLĐ huyện, thị, 6 Công đoàn ngành và 1 Công đoàn Viên chức các cơ quan tỉnh, 11 CĐCS trực thuộc, 2 đơn vị kinh tế Công đoàn và 01 Trung tâm Dạy nghề Công đoàn tỉnh, hơn 1.579 CĐCS với 51.152 đoàn viên (trong tổng số trên 70.000 CNVCLĐ toàn tỉnh). Chất lượng đội ngũ CNLĐ được nâng lên đáng kể, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề của đa số cán bộ, CNVCLĐ được bồi dưỡng, đào tạo nâng cao: hơn 90% CNVCLĐ có trình độ học vấn phổ thông trung học, trên 95% CNVCLĐ được đào tạo nghề (trong đó CCVC đạt 100%). Độ tuổi từ 18 đến dưới 50 chiếm 93%, trong đó tuổi dưới 25 chiếm 15,7%. Trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học và trên đại học được tăng lên (hiện cả tỉnh có trên 9.000 CNVCLĐ có trình độ đại học, trên 400 CNVCLĐ có trình độ trên đại học, trong đó có 21 tiến sỹ, 6 bác sỹ chuyên khoa II, 250 thạc sỹ và trên 100 bác sỹ chuyên khoa I, 15 chuyên viên cao cấp và đang được đào tạo 150 thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, 20 tiến sỹ và bác sỹ chuyên khoa II) từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn Sơn La có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành và địa phương; hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ đề ra; sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ; giữ mối liên hệ thường xuyên nhằm đảm bảo sự lãnh đạo kịp thời sát sao của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập cho CNVCLĐ; làm tốt công tác XH; tạo được không khí thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” sôi nổi, liên tục; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đáp ứng với yêu cầu hoạt động.
Từ ngày ra đời cho đến nay, Công đoàn Sơn La đã trải qua 13 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là dấu mốc lịch sử ghi nhận những thành tích và đề ra nhiệm vụ mục tiêu, công việc sát thực với nhiệm vụ chính trị của địa phương và yêu cầu của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn.
Đại hội Công đoàn tỉnh Sơn La lần thứ nhất: Họp từ ngày 12 đến 15/11/1964 tại thị xã Sơn La. Đại hội đề ra nhiệm vụ cấp bách về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong điều kiện một tỉnh mới tái lập và bầu 11 đ/c vào BCH. Đ/c Đặng Học được bầu làm Thư ký, đ/c Trần Duy Thiều được bầu làm Phó thư ký.
Đại hội lần thứ II: Họp từ ngày 18 đến 24/4/1966 tại bản Sàng- xã Chiềng Ban- huyện Mai Sơn. Đại hội quyết định chuyển hướng hoạt động công đoàn từ thời bình sang thời chiến. Đại hội bầu 11 đ/c vào BCH. Đ/c Ngô Ngọc Nhị được bầu làm Thư ký, các đ/c Phan Củng, Nguyễn Thuý Tiến được bầu làm Phó thư ký.
Đại hội lần thứ III: Họp từ ngày 24 đến 29/3/1970 tại bản Mạt- xã Chiềng Mung- Mai Sơn. Chủ đề của Đại hội là học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội đã bầu 10 đ/c vào BCH. Đ/c Ngô Ngọc Nhị được bầu lại làm Thư ký, các đ/c Phan Củng và Lương Thị Hoạch được bầu làm Phó Thư ký.
Đại hội lần thứ IV: (được tổ chức 2 vòng).
- Đại hội vòng 1: Từ ngày 26 - 29/3/1972 tại Nông trường Tô Hiệu. Đại hội tham gia các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn Việt Nam và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III. Đại hội vinh dự được đón đ/c Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng đến thăm và nói chuyện với Đại hội.
- Đại hội vòng 2: Họp từ ngày 15 - 19/5/1974 tại xã Hát Lót- Mai Sơn. Đại hội quyết định nhiệm vụ chủ yếu của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn tỉnh nhà trong việc thực hiện kế hoạch 2 năm (1974-1975) về khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đại hội đã bầu 21 đ/c vào BCH. Đ/c Phan Củng được bầu làm Thư ký, đ/c Nguyễn Dận được bầu làm Phó thư ký.
Đại hội lần thứ V: Họp từ ngày 3 đến 9/6/1977 tại thị xã Sơn La. Đại hội vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và nói chuyện với Đại hội. Đại hội quyết định nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong thời kỳ phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội 3 năm (1978-1980). Đại hội đã bầu 27 đ/c vào BCH. Đ/c Lò Văn Tấn được bầu làm Thư ký, đ/c Nguyễn Dận được bầu làm Phó thư ký.
Đại hội lần thứ VI: Họp từ ngày 17 đến 22/11/1980 tại thị xã Sơn La. Đại hội quyết định nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong việc tham gia giải quyết những khó khăn trong sản xuất, đời sống; đẩy mạnh sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi những chính sách kinh tế mới của Đảng. Đại hội đã bầu 33 đ/c vào BCH. Đ/c Lò Văn Tấn được bầu lại làm Thư ký, các đ/c Cầm Ngọc Oanh, Ngần Thị Canh được bầu làm Phó thư ký.
Đại hội lần thứ VII: Họp từ ngày 23 đến 28/7/1983 tại thị xã Sơn La. Đại hội quyết định nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp, tham gia lập lại trật tự xã hội trên mặt trận phân phối lưu thông, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (1981-1985). Đại hội đã bầu 33 đ/c vào BCH. Đ/c Lò Văn Tấn được bầu lại làm Thư ký, các đ/c Cầm Ngọc Oanh, Trần Ngọc Phượng được bầu làm Phó thư ký.
Đại hội lần thứ VIII: Họp từ ngày 26 - 28/7/1988 tại thị xã Sơn La. Đại hội quyết định nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đầu công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện khẩu hiệu hành động: "Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội" do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI quyết định. Đại hội đã bầu 35 đ/c vào Ban Chấp hành. Đ/c Trần Ngọc Phượng được bầu làm Chủ tịch, các đ/c Cầm Ngọc Oanh, Lò Thị Mắn được bầu làm Phó chủ tịch.
Đại hội lần thứ IX: Họp từ ngày 19 đến 20/5/1993 tại thị xã Sơn La. Đại hội đã quyết định nhiệm vụ, với mục tiêu là: "Vì lợi ích của CNLĐ, vì sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo của nhân dân các dân tộc, vì sự ổn định và phát triển của đất nước, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn". Đại hội đã bầu 31 đ/c vào BCH. Đ/c Trần Ngọc Phượng được bầu lại làm Chủ tịch, các đ/c Lò Thị Mắn, Nguyễn Thanh Nghị được bầu làm Phó chủ tịch.
Đại hội lần thứ X: Họp từ ngày 20 - 21/5/1998 tại thị xã Sơn La. Đại hội đề ra mục tiêu hoạt động của Công đoàn tỉnh nhà trong những năm tới là: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Đại hội đã bầu 39 đ/c vào BCH. Đ/c Trần Ngọc Phượng được bầu lại làm Chủ tịch, các đ/c Lò Thị Mắn, Lò Văn Phanh, Lò Thị Luyến được bầu làm Phó chủ tịch.
Đại hội lần thứ XI: Họp từ ngày 9 đến 11/7/2003 tại thị xã Sơn La. Đại hội đã đề ra khẩu hiệu hành động là: "Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ và tổ chức Công đoàn Sơn La lớn mạnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội". Đại hội đã bầu 39 đ/c vào BCH. Đ/c Lò Thị Luyến được bầu làm Chủ tịch, các đ/c Lò Văn Phanh, Đoàn Minh Huyền, Cà Văn Chiu được bầu làm Phó chủ tịch. Tháng 7/2007, đ/c Chủ tịch Lò Thị Luyến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ hưu trí, Đ/c Phó chủ tịch Cà Văn Chiu được bầu làm Chủ tịch.
Đại hội lần thứ XII: Họp từ ngày 04 đến 06/6/2008 tại thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La). Đại hội đã đề ra khẩu hiệu hành động là: “Đổi mới, sáng tạo hoạt động công đoàn vì quyền, lợi ích của CNVCLĐ, vì sự phát triển bền vững của tỉnh”. Đại hội đã bầu 39 đ/c Vào BCH. Đ/c Cà Văn Chiu được bầu lại làm Chủ tịch, các đồng chí Lò Văn Phanh, Đoàn Minh Huyền được bầu làm Phó chủ tịch.
Đại hội lần thứ XIII: Họp từ ngày 25 đến 27/02/2013 tại thành phố Sơn La, với phương châm: “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thiết thực” và khẩu hiệu hành động: “Đổi mới, sáng tạo hoạt động công đoàn, vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; vì sự phát triển bền vững của tỉnh Sơn La”. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Công đoàn tỉnh Sơn La; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ XIII (2013-2018); góp phần xây dựng tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền núi phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; Bầu Ban Chấp hành Liên đoàn tỉnh khóa XIII và Đoàn địa biểu đi dự Đại hội XI Công đoàn Việt Nam.
BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH CỦA CÔNG ĐOÀN SƠN LA QUA 50 NĂM
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
50 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Công đoàn Sơn La đã được ghi nhận và được tặng thưởng:
1/ Tổng LĐLĐ Lao động Việt Nam trao tặng:
- 126 cờ thi đua toàn diện và các chuyên đề
- Hơn 1.600 bằng khen cho tập thể và cá nhân
- Gần 300 bằng “Lao động sáng tạo” cho các tác giả có đề tài khoa học, sáng kiến hữu ích
2/ UBND tỉnh trao tặng
- Hơn 100 cờ thi đua toàn diện
- Hơn 1.500 bằng khen cho các tập thể và cá nhân
- Công nhận 20 lượt CSTĐ cấp tỉnh
- Công nhận 90 lượt Tập thể lao động xuất sắc
- Chủ tịch nước trao tặng 15 Huân chương lao động các hạng
- Thủ tướng Chính phủ tặng 20 bằng khen cho các tập thể và cá nhân
Đặc biệt:
- Năm 1995 – LĐLĐ tỉnh Sơn La đón nhận HCLĐ hạng ba
- Năm 2002 – LĐLĐ tỉnh Sơn La đón nhận HCLĐ hạng nhì
- Năm 2008 – LĐLĐ tỉnh Sơn La đón nhận HCLĐ hạng nhất
- Năm 2010, 2012 – LĐLĐ tỉnh Sơn La nhận Bằng khen TTCP
- Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh Sơn La còn nhận nhiều cờ, bằng khen của các cấp, các ngành của địa phương và trung ương về thành tích thực hiện công tác chuyên môn và các chương trình phối hợp, tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.