31/10/2024
Dự thảo Luật Công đoàn: “Tháo điểm nghẽn để chăm lo tốt hơn cho người lao động
Dự thảo Luật Công đoàn sau khi được thông qua sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, giúp cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Ngày 24/10/2024, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo Luật Công đoàn sửa đổi về một số điểm đáng quan tâm trong Dự thảo Luật Công đoàn.
Trong cuộc trao đổi, ông Lê Đình Quảng cho biết, sau chỉnh lý, Dự thảo Luật Công đoàn trình Quốc hội lần này gồm 6 chương với 37 điều, trong đó sửa đổi bổ sung 32 điều, bổ sung mới 5 điều và bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn hiện hành.
Theo ông Lê Đình Quảng, sau hơn 10 năm thực hiện đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để khắc phục một số hạn chế còn tồn tại, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới cũng như phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Trên cơ sở kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả của Luật Công đoàn 2012; Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.
Ông Lê Đình Quảng khẳng định, Dự thảo Luật Công đoàn sau khi được thông qua sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, giúp cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Theo Tạp chí Lao động & Công đoàn