Công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động của tổ chức Công đoàn Việt Nam 70 năm qua đã tập trung vào việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát thực thi luật pháp, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em; vào những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ, đặc biệt là bình đẳng giới.
Những định hướng quan trọng
Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ, Công đoàn Việt Nam luôn xác định công tác vận động nữ CNVCLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động Công đoàn. Ngay từ tháng 2 năm 1949, Tổng Liên đoàn đã quyết định thành lập Ban Cán sự phụ nữ lao động (tiền thân của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn hiện nay). Trải qua 70 năm, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn và Ban Nữ công công đoàn các cấp luôn được kiện toàn qua từng nhiệm kỳ Đại hội về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp về công tác vận động nữ CNVCLĐ.
Điều lệ Công đoàn Việt Nam qua các kỳ Đại hội đều dành riêng một điều quy định về công tác vận động nữ CNVCLĐ. Đặc biệt, từ Điều lệ Công đoàn Đại hội XI đến nay đều dành riêng một Chương với 2 điều quy định về Công tác nữ công, trong đó xác định rõ “Công tác nữ công là nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật”.
Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Công đoàn về tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ đã được Ban Chấp hành Tổng Công đoàn khoá II ban hành (Nghị quyết số 02-NQ/TCĐ ngày 25/12/1967). Theo đó, xác định rõ vai trò, vị trí của nữ CNVCLĐ và đề ra nhiệm vụ quán triệt công tác vận động nữ CNVCLĐ trong mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn. Từ đó đến nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về công tác vận động nữ CNVCLĐ. Gần đây nhất là Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 29 tháng 01 năm 2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn (khóa X) về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Chỉ thị 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, Kế hoạch hành động của các cấp Công đoàn thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020, Nghị quyết 12b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn ngày 12/7/2017 về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Từ cấp Tổng Liên đoàn, đến các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Ban nghiệp vụ công tác nữ công đã được thành lập và có cán bộ chuyên trách công đoàn làm công tác nữ công và theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Ban Nữ công quần chúng đã được thành lập ở các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cấp cơ sở trong đó Trưởng ban và các ủy viên hầu hết đều hoạt động kiêm nhiệm.
Những kết quả đạt được trong vận động nữ công nhân, viên chức, lao động.
Công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, lao động
Công đoàn các cấp đã tham gia có hiệu quả vai trò thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên và lao động nữ. Tập trung nghiên cứu, lấy ý kiến tham gia xây dựng, hoàn thiện thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới lao động nữ, bình đẳng giới trong đó có việc cùng với các cơ quan chức năng đề xuất thành công tăng thời gian nghỉ thai sản cho nữ công nhân, viên chức, lao động từ 4 tháng lên 6 tháng; giữ nguyên chế độ cho lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh và 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; đưa quy định bắt buộc đối với người sử dụng lao động phải tổ chức khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ (BLLĐ 2012), thay vì trước kia chỉ quy định tổ chức khám sức khỏe định kỳ, còn khám chuyên khoa phụ sản chỉ là khuyến khích; chế độ thai sản dành cho nam giới khi vợ sinh con, chế độ thai sản cho người mang thai hộ, điều chỉnh tăng mức trợ cấp ốm đau, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và mức hỗ trợ ốm đau dài ngày.
Từ mô hình phòng vắt trữ sữa được Tổng Liên đoàn thí điểm triển khai từ năm 2012 đến năm 2015, sau khi đánh giá kết quả đạt được, Tổng Liên đoàn đã đề xuất và được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chấp thuận trình Chính phủ đưa vào Nghị định 85/NĐ-CP quy định: người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn tiếp tục nghiên cứu và chỉ đạo các cấp công đoàn nghiên cứu tham gia trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động năm 2012 theo hướng đề xuất tiếp tục giữ nguyên một chương trong Bộ Luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ, sửa đổi bổ sung một số điều trong Chương X hiện hành để hướng tới bình đẳng thực chất hơn giữa nam và nữ, làm rõ những quy định của điều luật về phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Công đoàn đã đề xuất nhiều biện pháp để từng bước giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, thiết chế văn hóa, vấn đề hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung và nơi có đông nữ công nhân, viên chức, lao động. Nhiều nơi, công đoàn cơ sở đã thương lượng đưa được vào thỏa ước lao động tập thể quy định về hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ, có nơi cho cả lao động nam có con dưới 6 tuổi; có nơi công đoàn đã đề xuất và doanh nghiệp ủng hộ xây dựng mới nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân lao động. Nhiều địa phương, ngành đã có những hình thức đa dạng hóa công tác chăm lo nhà trẻ, mẫu giáo cho lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung, như khảo sát nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ; vận động doanh nghiệp hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho công nhân, lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Đến nay, đã có trên 30 dự án xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo cho công nhân lao động ở khu công nghiệp và một số dự án đi vào hoạt động ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Dệt may…. có nơi đã tổ chức thành công mô hình công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp xây dựng và quản lý nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, lao động. (UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đầu tư 2 triệu USD xây dựng trưởng mầm non với quy mô trông giữ 2.000 trẻ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo Khu công nghiệp Khai Quang với diện tích 5.568 m2, trông giữ được 1.000 trẻ, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng nhà trẻ ở Khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh khoảng 300 trẻ, Công ty May Đáp Cầu xây dựng trường mầm non quy mô 500 trẻ, trị giá khoảng 25 tỷ đồng…).
Hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc con cho công nhân lao động
Các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc con cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất được chú trọng thực hiện, phối hợp nghiên cứu đề xuất các chính sách có liên quan nhằm góp phần tích cực triển khai “Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”; Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số mô hình đang phát huy hiệu quả như: “Sức khỏe của bạn”, “Tuyên truyền và lắp đắp đặt phòng vắt trữ sữa”, “Diễn đàn giáo dục đời sống gia đình” ..., “Lễ cưới tập thể dành cho công nhân lao động”, “Nam giới giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà”, “ Nam giới chia sẻ công tác, san sẻ việc nhà cùng nữ giới”; “Câu lạc bộ nữ đơn thân”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu”, “Biểu dương con công nhân lao động có thành tích cao trong học tập, vượt khó học giỏi”, “ Biểu dương vợ thợ lò tiêu biểu”...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ nữ đã có chuyển biến tích cực. Nhiều nơi, công đoàn đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng cùng cấp trong qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ; giới thiệu cán bộ nữ ưu tú để Đảng, Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp. Nhiệm kỳ 2018-2023 tỷ lệ nữ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương là 30,9% (tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước). Điều đáng ghi nhận là tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn các cấp đạt 49,4% (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước), riêng cấp cơ sở đạt 50,16%.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã được triển khai sâu rộng với nhiều mô hình đa dạng, thu hút đông đảo nữ công nhân, viên chức, lao động tham gia, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Giai đoạn 2013-2018, đã có hàng triệu lượt chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ở 3 cấp; hàng trăm tập thể, cá nhân nữ được tặng cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và hàng vạn lượt nữ đoàn viên và lao động nữ, gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh ở các cấp.
Hoạt động xã hội chăm lo cho nữ công nhân, viên chức, lao động
Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam hàng năm đã vận động, hỗ trợ cho con công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình thường niên của Quỹ như Chương trình “Đón Xuân cùng bé”, “Cùng em đến trường”, “Vòng tay yêu thương”, “Áo ấm cùng em”, “Hỗ trợ phát triển thể chất và trí tuệ” và Chương trình “Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ”, qua đó đã hỗ trợ khoảng bằng hiện vật và tiền mặt với tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng/1 năm cho con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Tại một số địa phương còn vận động ủng hộ xây dựng các Quỹ “Vì nữ công nhân lao động nghèo”, “Quỹ xoay vòng”, “Quỹ trợ vốn”, “Quỹ Mái ấm công đoàn”…hỗ trợ công nhân lao động và lao động nữ phát triển kinh tế gia đình, sửa chữa, xây mới nhà ở…, cán bộ nữ công công đoàn các cấp cũng có những đóng góp đáng kể trong việc tham gia với các ban liên quan tổ chức triển khai thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, tổ chức “Tết sum vầy” và tham gia các hoạt động xã hội góp phần cải thiện đời sống cho đoàn viên và người lao động.
Có thể khẳng định rằng, 70 năm qua, Ban Nữ công (tiền thân là Ban Cán sự phụ nữ lao động) của công đoàn các cấp luôn được kiện toàn qua từng nhiệm kỳ Đại hội về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp về công tác vận động nữ CNVCLĐ.