16/07/2024
Làm đến tuổi nghỉ hưu, điều xa xỉ với nhiều công nhân
Nhiều công nhân cho rằng, khó làm đến 60-62 tuổi để hưởng lương hưu theo như quy định hiện hành bởi khi ngoài tuổi 45, họ đã khó gắn bó với nhà máy.
Thường xuyên ngồi cúi làm việc, chị Mai - nữ công nhân may mặc được chẩn đoán cong vẹo cột sống. Ảnh: Mạnh Cường.
Chị Phạm Thị Mai (34 tuổi) - công nhân may tại Nam Định chia sẻ, chị bắt đầu đi làm từ khi 22 tuổi, đến hiện tại đã được 12 năm. Ngẫm lại quãng thời gian gắn bó với nghề, chị Mai càng cảm thấy vất vả, chạnh lòng.
“Để đạt được mức lương trên 10 triệu đồng/tháng là liên tiếp những ngày tăng ca đến 20h tối mới được về. Về đến nhà người mệt nhoài, chẳng muốn làm gì, chỉ muốn đi ngủ, con cái cũng không có thời gian để dạy học” - chị Mai cho hay.
Thời gian đầu khi đi làm, cũng vì lý do này, chị Mai và chồng thường xuyên xảy ra bất đồng. Thậm chí, không ít lần chồng đã khuyên chị chuyển công việc khác để có nhiều thời gian hơn lo cho gia đình.
Nữ công nhân cho biết, hiện chị đang mắc phải 2 căn bệnh liên quan đến công việc hằng ngày. Thứ nhất là cong vẹo cột sống do ngồi cúi trong thời gian quá dài. Thứ hai là viêm mí mắt, tháng nào, nữ công nhân cũng phải mua hai lọ thuốc nhỏ chuyên dụng mới đỡ triệu chứng.
Theo chị Mai, nghề công nhân may thường xuyên tiếp xúc với bụi vải nên không thể tránh được. Vào mùa hè trời nóng bức, nữ công nhân bắt buộc phải bỏ khẩu trang mới thoải mái làm việc mặc dù biết sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Chị Mai cho biết, với hoàn cảnh của chị, rất khó có thể trụ được đến 50 tuổi chứ đừng nói là 60 tuổi để nghỉ hưu. Nếu cố làm trên 30 năm, theo chị Mai khả năng cao các đốt sống lưng sẽ thoái hóa, lúc đó càng tốn kém tiền chữa trị.
Chị Mai mong muốn công nhân lao động chân tay được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, vất vả để được nghỉ hưu sớm. Nếu được như vậy, chị Mai cho biết sức khỏe của công nhân lao động sẽ được tái tạo và bảo đảm tốt hơn.
Với bà Nguyễn Thị Toan (48 tuổi, Nam Định) - công nhân giày da, 9 năm bám trụ đã là rất cố gắng. Dự định của bà Toan là cố làm 2 năm nữa sau đó nghỉ việc, đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu nếu có điều kiện.
Công việc của bà Toan phải làm luân phiên 2 tuần ca ngày, 2 tuần ca đêm, thường xuyên tăng ca. Chính điều này đã khiến bà Toan thường xuyên gặp phải tình trạng đau đầu, tụt huyết áp do thiếu ngủ.
“Đã rất nhiều lần tôi xin chuyển bộ phận khác làm ban ngày nhưng không được chấp thuận, vì thế tôi dự định làm 2 năm nữa sẽ xin nghỉ” - bà Toan cho hay.
Bên cạnh đó, nữ công nhân cho biết, 2 năm gần đây, công ty cắt giảm khá nhiều công nhân. Tổ của bà ban đầu có 35 người bây giờ chỉ còn 27 người trong khi lượng công việc vẫn nhiều như lúc trước. Điều này cũng vô tình khiến sức khỏe của bà giảm sút nhanh hơn.
“Trong nhà tôi lúc nào cũng có ít nhất hai hộp thuốc bổ não, gần đây thi thoảng lại phải đi bệnh viện khám lấy thêm thuốc để hạn chế đau đầu” - bà Toan tâm sự.
Nữ công nhân chia sẻ, nếu 50 tuổi nghỉ việc, chờ 10 năm sau mới được hưởng lương hưu là thời gian quá dài. Vì thế, sau khi nghỉ tìm được công việc đảm bảo cuộc sống, bà Toan mới dám quyết định đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngược lại, nếu thu nhập và sức khỏe không cho phép, nữ công nhân chia sẻ có thể rút bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu trước.
"Tôi cho rằng, với những công nhân trực tiếp, giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành là điều rất nhiều người mong muốn. Để chúng tôi làm việc đến 60-62 tuổi là điều vô cùng xa xỉ" - bà Toan nói.
Theo Báo Lao động