image banner
Lương công nhân tăng rất chậm, phụ thuộc nhiều vào lương tối thiểu vùng
Công nhân cho rằng, tiền lương của họ tăng rất chậm, phụ thuộc nhiều vào việc tăng lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 6% từ ngày 1.7, công nhân mong có những chính sách thiết thực giống như nhóm lao động khác để an tâm làm việc, gắn bó lâu dài.
anh tin bai

Công nhân mong được thưởng vượt chỉ tiêu và tăng lương 1 năm/lần. Ảnh minh họa: Minh Hương.

Mức lương cơ bản cần dựa trên số năm kinh nghiệm

Anh Nguyễn Văn Ngọc (30 tuổi, Hà Nam) - công nhân bộ phận là hơi chia sẻ, anh mong được thỏa thuận mức lương nhận được ngay từ khâu phỏng vấn giống như người làm việc văn phòng.

“Lúc tôi nộp hồ sơ xin việc, người quản lý có thể kiểm tra tay nghề của công nhân để đưa ra mức lương ban đầu. Sau 1 tháng, công ty sẽ xem xét kết quả làm việc để chấp thuận mức lương đó hoặc giảm xuống nếu thấy chưa đạt” - anh Ngọc chia sẻ.

Theo anh Ngọc, chính sách này sẽ tạo ra tính minh bạch, công bằng giữa nhóm lao động chân tay và lao động trí óc. Từ đó, giúp công nhân có cảm giác được trân trọng và có động lực cố gắng làm việc hơn.

Chị Phạm Thị Lý (38 tuổi) - công nhân may tại Bắc Giang cho biết, chị mới từ Đồng Nai trở về quê hương làm việc. Tuy nhiên, khi đi xin việc thì mức lương cơ bản nhận được khá thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập trong những lúc công ty ít việc, chỉ làm giờ hành chính.

anh tin bai

Chị Lý mong muốn được thỏa thuận mức lương cơ bản của công nhân được dựa trên tay nghề, kinh nghiệm làm việc. Ảnh: NVCC.

“Dù tôi đã có gần 10 năm kinh nghiệm nhưng bắt đầu ở nơi mới, tôi cũng chỉ nhận được mức lương cơ bản giống như người trẻ vừa vào làm” - chị Lý chia sẻ.

Do đó, nữ công nhân mong được thỏa thuận mức lương cơ bản ngay từ khi nộp hồ sơ phỏng vấn. Theo chị Lý, mức lương cơ bản phải dựa trên số năm kinh nghiệm và tay nghề thực tế của công nhân, không thể cào bằng.

Nhận được mức thưởng hấp dẫn hơn khi vượt chỉ tiêu

Nhiều tháng liền là công nhân xuất sắc của chuyền may nhưng chị Nguyễn Thị Hân (29 tuổi, Nam Định) khá hụt hẫng và thất vọng vì công ty rất ít khi thưởng nóng cho cá nhân, chỉ xét năng suất chung để thưởng cho cả chuyền.

“Làm ít hay làm nhiều cũng được thưởng như nhau, như vậy không công bằng” - chị Hân tâm sự.

Trong thâm tâm, chị Hân dự định sang năm chuyển công ty khác làm việc theo hình thức khoán. Như thế, nữ công nhân sẽ có thêm động lực, dễ dàng chứng minh được khả năng, nhận được mức lương cao cũng như thưởng xứng đáng hơn.

Chia sẻ thêm, chị Hân cho biết, lương công nhân tăng rất chậm, dường như phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách tăng lương tối thiểu vùng của Nhà nước.

“Khi nào Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng, lương cơ bản của tôi mới được điều chỉnh. Lúc đó, thu nhập mới tăng, đây là một thiệt thòi rất lớn vì các mặt hàng được điều chỉnh tăng hàng tháng” - chị Hân cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phượng (47 tuổi) - công nhân giày da tại Nam Định cho biết 8 năm trước lúc mới vào làm, bản thân đã nhận được thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng (cả tăng ca). Đến bây giờ mới chỉ tăng lên 8,5 triệu đồng (cả tăng ca), mức tăng này quá chậm so với các mặt hàng khác.

“Theo thời gian, kinh nghiệm và tay nghề chúng tôi tốt lên thì công ty cũng phải dựa vào đó để điều chỉnh mức lương cơ bản hoặc phụ cấp tương xứng. Tôi mong rằng, bên cạnh việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, Nhà nước cần xem xét các yếu tố tay nghề, kinh nghiệm để tăng lương với mỗi người” - bà Phượng cho hay.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nước ta hiện nay đang tính mức lương tối thiểu theo chuẩn nghèo để giải quyết bài toán xóa đói giảm nghèo chứ chưa tính lương tối thiểu đảm bảo mức lương đủ sống, đảm bảo chi phí cho người phụ thuộc (trẻ em) và phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Đầu năm 2024, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã họp chuyên gia về chính sách tiền lương và đi đến kết luận các quốc gia cần thúc đẩy mức lương đủ sống. Kết luận của ILO nêu: “Thúc đẩy quá trình tăng dần từ mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống".

Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu thay đổi cách tính lương tối thiểu phù hợp với kết luận của ILO để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người lao động Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp công nhân.

Theo Báo Lao động
Video sự kiện
  • Công đoàn Sơn La đẩy mạnh các phong trào hoạt động, thi đua
  • Chuyên mục công đoàn Sơn La tháng 8: Tập trung tuyên truyền đưa Nghị quyết Công đoàn vào cuộc sống
  • Xây dựng gia đình đoàn viên no ấm, hạnh phúc, văn minh
1 2 3 4 5 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 1569
  • Trong tuần: 21 854
  • Tất cả: 2034983
Bản quyền thuộc Liên Đoàn Lao Động Tỉnh Sơn La
Địa chỉ: Số 02, Phố Xuân Thủy, Tổ 8, Phường Chiềng Lề, Tp Sơn La, Sơn La
Điện thoại: 02123752440    Fax: 02123752440
Email: