1. Chăm lo, tạo việc làm cho người lao động
Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Chính sách chăm lo, tạo việc làm cho người lao động là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Đây cũng là một trong những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lo nghĩ, trăn trở, coi đó là một trong những quyền lợi cơ bản nhất của người lao động, là thước đo đánh giá năng lực và sự thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước, của chế độ. Điều thứ 96 Sắc lệnh số 29/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã nêu rõ: “Tại những đô thị nào xét ra cần, thì các Ủy ban hành chính kỳ có thể ban bố nghị định thiết lập những phòng tìm việc giùm cho công nhân. Những nghị định này trước khi thi hành phải được Bộ trưởng Bộ Lao động duyệt y”(1). Điều này cho thấy vai trò quan trọng của chính sách tạo việc làm cho công nhân. Đồng thời, thể lệ tìm việc cho công nhân được ấn định cụ thể trong một văn bản riêng biệt tại Thông tư số 21-LĐ/LL ngày 17/11/1959 của Bộ Lao động về việc hướng dẫn tuyển mộ, sử dụng công nhân ở các xí nghiệp công tư hợp doanh. Trong đó, quy định rõ những vấn đề về sắp xếp hợp lý tổ chức lao động, vấn đề tuyển dụng người mới, vấn đề đào tạo thợ mới và bổ túc thợ cũ…
Để tạo việc làm cho người lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm phát triển kinh tế, bởi có phát triển kinh tế thì mới có việc làm cho người lao động. Ngay sau khi giành được độc lập, trong bối cảnh bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Hội đồng Chính phủ lâm thời phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất. Người đưa ra khẩu hiệu: “Tăng gia sản xuất. Tăng gia sản xuất ngay. Tăng gia sản xuất nữa!”.
Đối với nông dân, ruộng đất là tư liệu sản xuất chính, là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Nhận thức rõ điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “muốn cho nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày”. Đối với công nhân, viên chức, tiền lương luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu. Người luôn mong muốn “đời sống của công nhân, công chức và bộ đội càng khá hơn” và đặt ra mục tiêu “làm sao cho nhân dân có công ăn việc làm để nâng cao đời sống của nhân dân lên”. Đối với trí thức, quan điểm của Người rất rõ ràng: lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng để họ đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
2. Đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn phát huy vai trò lãnh đạo, muốn thực hiện quyền làm chủ, người lao động phải ra sức học tập văn hóa, khoa học - kỹ thuật, học quản lý, học nghề, học ở nhà trường, học trong thực tiễn, học hỏi chuyên gia nước ngoài, học hỏi cán bộ, học hỏi lẫn nhau. Đảng, Nhà nước và bộ máy quản lý các cấp cần coi trọng đào tạo những người lao động một cách toàn diện và chú trọng xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, đội ngũ công nhân lành nghề... Trong 8 điều của bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, đáng chú ý có điều 6: “Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật, và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”. Đây có thể được coi là đòi hỏi đầu tiên một cách chính thức cho quyền được học tập và đào tạo nghề nghiệp của người lao động ở các nước thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị Vécxây năm 1919.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương: “Lại nên có những lớp học cho thợ và con thợ. Thợ học cho tinh xảo hơn. Con thợ học sẽ dễ thế cho những người thợ già về hưu”(2). Các ngành nghề đào tạo phải phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành kinh tế. Các trung tâm đào tạo nghề cho người lao động được khuyến khích thành lập, tạo điều kiện phát triển và được đầu tư đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
Trong bài “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” với bút danh C.K đăng trên báo Nhân dân số 2187 ngày 14/3/1960, Người cho rằng: “Muốn cải tiến kỹ thuật, phải biết kỹ thuật. Muốn cải tiến tổ chức lao động, cũng phải biết phương pháp tổ chức và có kinh nghiệm tổ chức. Về mặt này và mặt kia, hiện nay chúng ta đều còn kém. Cho nên phải "học, học nữa, học mãi", như Lênin đã dạy”(3). Học tập không ngừng sẽ giúp cho người lao động phát triển về trình độ kiến thức cũng như kỹ năng nghề nghiệp. Học tập cũng giúp người lao động có năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức, đủ năng lực thực hành nghề nghiệp. Do đó, bản thân mỗi người phải tỏ rõ tinh thần say mê học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp để không ngừng nâng cao tay nghề, giúp ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
3. Tiền lương cho người lao động
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách tiền lương cũng là một trong những động lực quan trọng của phát triển kinh tế. Nếu tiền lương không tương xứng với giá trị sức lao động thì những tư liệu sinh hoạt cần thiết của người lao động cũng không được đáp ứng. Điều này sẽ dẫn tới đánh mất động lực của quá trình sản xuất và nền kinh tế tất yếu bị ngưng trệ. Không chỉ vậy, tiền lương không thích hợp còn là một trong những nguyên nhân của nhiều căn bệnh như tham ô, tham nhũng. Người đã nhiều lần bàn về đồng lương thực tế cho người thợ: “Bây giờ anh em mong được lên lương có chính đáng không? Có. Nhưng lương tăng gấp đôi mà hàng đắt thì vẫn không ăn thua gì”(4).
Trong “Chương trình Việt Minh” do Người soạn thảo có nội dung rất cụ thể về việc thi hành Luật Lao động, quy định chính sách tiền lương: “Định tiền lương tối thiểu. Công việc làm như nhau nhận tiền lương ngang nhau. Cứu tế thất nghiệp. Xã hội bảo hiểm... Công nhân già có lương hưu trí”(5). Ở đây, nêu rõ về chế độ tiền lương cho công nhân, về việc quy định mức lương tối thiểu, Người cho rằng, đây là một mức lương thấp nhất, đó là số tiền cần phải trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong xã hội với điều kiện làm việc và cường độ lao động bình thường, kể cả lao động chưa qua đào tạo nghề. Số tiền lương đó phải đủ để người lao động tái sản xuất giản đơn sức lao động, đóng bảo hiểm tuổi già và nuôi con. Trong chính sách tiền lương cũng phải đảm bảo rằng công bằng không có nghĩa là cào bằng, mà là làm theo năng lực hưởng theo lao động.
Khác với công nhân, nông dân là những người không được trả lương, vì họ thực hiện việc cày cấy trên chính mảnh ruộng của mình. Do đó, Người yêu cầu: “Nông dân ai cũng có ruộng cày. Giảm địa tô. Cứu tế nông dân trong những năm mất mùa”(6). Đây là một chính sách thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Sản phẩm của nông dân phụ thuộc phần nhiều vào khí hậu, thời tiết, thủy lợi... do đó, không tránh khỏi những khi mất mùa, thất bát. Vì vậy, việc cứu tế nông dân trong những năm mất mùa là một trong những chính sách an sinh xã hội tiến bộ, có ý nghĩa tích cực trong đời sống sản xuất.
Đối với bộ đội, người chủ trương “hậu đãi binh lính có công giữ gìn Tổ quốc và phụ cấp gia đình binh lính được đầy đủ”(7). Ngoài chính sách tiền lương, thưởng cho bộ đội theo quy định chung, thì đối tượng này còn được hưởng phụ cấp cho gia đình một cách đầy đủ. Điều này góp phần tạo động lực to lớn, cổ vũ, động viên bộ đội yên tâm làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ Tổ quốc.
4. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mục đích công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”(8). Năm 1946, trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(9). Muốn nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất thì trước tiên phải đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của một con người, đó là nhu cầu về ăn, mặc, ở, nhu cầu được học hành… Nếu đất nước độc lập, tự do mà nhân dân vẫn thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần thì độc lập, tự do chẳng có nghĩa lý gì.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho những người lao động sự quan tâm đặc biệt, một tình cảm sâu nặng. Người cho rằng, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động có được đảm bảo thì họ mới yên tâm lao động sản xuất và cống hiến cho xí nghiệp, cho đất nước. Bên cạnh đó, phải chăm lo đến đời sống tinh thần của người lao động bằng các chương trình, chính sách nâng cao đời sống văn hóa, văn nghệ; tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn; duy trì việc thăm hỏi công đoàn viên lúc ốm đau, sinh nở, chia sẻ với công đoàn viên, người lao động những vui buồn của gia đình. Với lao động nữ, đảm bảo chế độ nghỉ thai sản, duy trì những chế độ, chính sách ưu tiên cho chị em…
5. Đảm bảo an toàn cho người lao động
Nhận định được những thách thức cũng như ý nghĩa chính trị, xã hội và lợi ích của công tác bảo đảm an toàn lao động trong phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL ngày 13/3/1947 về vệ sinh và bảo an cho người lao động. Cụ thể: “Công nhân hay thợ học nghề làm trong các giếng mỏ, các ống dẫn hơi, các ống khói, các chuồng tiêu, các thùng máy chứa chất độc, v.v... đều phải có những dụng cụ thích hợp để bảo vệ sinh mệnh và tránh tai nạn”(10).
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đảm bảo an toàn lao động cho các đối tượng đặc biệt như: công nhân hầm mỏ, phụ nữ và trẻ em… Vì thế, phải quy định rõ “những công việc coi là nguy hiểm, quá sức đối với đàn bà trẻ con để cấm họ không được làm”(11); phải có “Những thể lệ đặc biệt cho phép đàn bà, trẻ con làm trong các sở có hại cho sức khoẻ hay nguy hiểm vì phải gần những chất hay hơi độc, với những sự bảo vệ cần phải có cho họ”(12). Những công nhân làm công việc dưới hầm mỏ, với điều kiện đặc biệt nguy hiểm cũng phải có “Thể lệ riêng về việc bảo vệ sức khoẻ và sinh mệnh cho công nhân các hầm mỏ”(13); những công nhân, người lao động làm việc ở vùng sâu, vùng xa, “Ở các vùng có bệnh sốt rét rừng, chủ phải chịu phí tổn về việc đề phòng bệnh này mà phát thuốc cho công nhân không lấy tiền”(14) …
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, Người chỉ rõ: “Những nơi làm việc phải rộng rãi, thoáng khí và có ánh nắng mặt trời. Những nơi làm việc phải cách biệt hẳn những nhà tiêu, những cống, rãnh, để tránh mùi hôi tanh”(15). Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế được tai nạn lao động đến mức thấp nhất. Người cho rằng, một trong những biện pháp tích cực nhất là xây dựng các chính sách đảm bảo an toàn cho người lao động và giáo dục ý thức bảo đảm an toàn lao động cho mọi người và làm cho mọi người hiểu được mục đích, ý nghĩa của công tác bảo đảm an toàn lao động.
6. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ lao động
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt được công bằng xã hội, trước hết phải điều hòa lợi ích của cá nhân và xã hội, lợi ích của các tầng lớp dân cư và nhấn mạnh đến việc giải quyết các mối quan hệ lao động. Đây là mối quan hệ bậc nhất trong xã hội. Nếu không giải quyết tốt sẽ dễ dàng dẫn đến những vấn đề xã hội, thậm chí trở thành mâu thuẫn gay gắt khó điều hòa.
Việc giải quyết các mối quan hệ lao động phải gắn kết phát triển kinh tế với công bằng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, thực hiện công bằng xã hội theo nguyên tắc ngang bằng nhau giữa người và người trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ. Do đó, không thể coi việc thực hiện công bằng xã hội như là sự cào bằng trong nghèo khổ. Người cho rằng “bình quân chủ nghĩa là trái với chủ nghĩa xã hội”(16). Bình đẳng xã hội, trước hết là phân phối phải theo lao động và theo phúc lợi: “Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con”(17). Những người đó được phân phối theo quỹ phúc lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất “chính sách chủ thợ đều lợi”, “Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ chỉ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ bảo vệ quyền lợi của công nhân. Đồng thời vì lợi ích lâu dài, anh chị em làm thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”(18). Người cho rằng, để đạt được công bằng xã hội, trước hết phải điều hòa lợi ích của cá nhân và xã hội, lợi ích của các tầng lớp dân cư. “Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người được khoẻ mạnh thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất, làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng để cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”(19).
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, củng cố quan hệ giữa người lao động chân tay và lao động trí óc. Người nói: “Trong sự nghiệp cách mạng, lao động trí óc có vai trò quan trọng và vẻ vang, và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối, trí thức phải “gần gũi công nông”(20). Người căn dặn, phải xóa dần sự tách rời giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa công - nông và trí thức vốn là hậu quả do chính sách chia rẽ của thực dân đế quốc để lại, tạo ra sự đoàn kết chặt chẽ nhằm cùng nhau xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp.
Đối với các lực lượng lao động khác trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ dẫn giai cấp công nhân phải có thái độ đúng đắn về đoàn kết, tập hợp, động viên họ góp công, góp của xây dựng đất nước. Người căn dặn: “Giai cấp công nhân đoàn kết với những người thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ vì họ là những người lao động và họ vui lòng đi theo con đường hợp tác hóa, họ tán thành và ủng hộ cách mạng xã hội chủ nghĩa”(21). Đối với tư sản dân tộc, “từ ngày hòa bình lập lại, họ có đóng góp một phần trong công cuộc khôi phục kinh tế. Hiện nay chúng ta có điều kiện để cải tạo họ theo con đường xã hội chủ nghĩa… Giai cấp tư sản dân tộc sẵn sàng tiếp thu cải tạo để góp phần vào công cuộc xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”(22). Chỉ có đoàn kết rộng rãi các lực lượng lao động tiến bộ trong toàn xã hội thì mới có thể giải quyết tốt mối quan hệ trong lao động.
7. Về chính sách lập hội, đoàn của người lao động
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam - một tổ chức quan trọng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Người đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích của tổ chức công đoàn: “công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của giai cấp công nhân nói riêng và của nhân dân nói chung”(23); đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động.
Trong nhiều bài báo, Người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức Công hội đỏ trong cuộc đấu tranh hiện tại. Người đưa ra lập luận: “Người không có tổ chức thì cũng như chiếc đũa lẻ loi, ai bẻ cũng được. Người có đoàn thể cũng như bó đũa đã cột lại, không ai bẻ được. Chúng ta phải lấy người kéo xe làm ví dụ: như chủ xe thu tiền quá cao nếu chỉ ít người thợ kéo xe xin, chắc nó không bớt. Nếu cả mấy người đòi, chắc nó phải hạ vì nó sợ bãi công thì nó lỗ vốn. Lại như bây giờ mỗi vòng xe là 5 xu, nếu chỉ ít người đòi thêm một hào, thì khách họ thuê xe khác rẻ hơn. Nếu hội định ai cũng đòi 1 hào, thì tự nhiên khách phải trả một hào”(24).
Việc chuẩn bị lý thuyết về tổ chức cho chính sách lập hội, đoàn của người lao động, mà cụ thể ở đây là cho Công hội đỏ Việt Nam còn được Người hoàn chỉnh trong cuốn sách “Đường Kách mệnh” xuất bản cuối năm 1927: “Nếu thợ thuyền Việt Nam tổ chức công hội chắc chắn Quốc tế đỏ sẽ giúp. Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước hết phải tự giúp mình đi đã”(25). Điều này thể hiện rõ quan điểm của Người, rằng chính công nhân và những người lao động phải tự mình đấu tranh, tự mình đòi quyền lợi cho mình, quyền được lập hội, đoàn để bảo vệ tất cả các quyền chính đáng của người lao động.
Những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách lao động chính là những động lực của nền kinh tế đất nước, là nhân tố quan trọng góp phần làm cho nền kinh tế nước ta vượt qua được những khó khăn thử thách, đặc biệt trong thời kỳ đất nước có chiến tranh. Hiện nay, khi học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không nói đến tư tưởng của Người về việc sử dụng các chính sách lao động trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
TS. Nguyễn Xuân Trung - NCS. Nguyễn Thị Thu Huyền Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng/TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
------------------------------
Ghi chú:
(1),(10),(11),(12,(13),(14),(15) Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa: Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947.
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.124.
(3), (21),(22) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.527, tr.370, tr.370.
(4),(8),(16),(19),(23) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2011, tr.479, tr.479, tr.583, tr.408, tr.479.
(5),(6),(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.2011, tr.631, tr.631, tr.631.
(9) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2011, tr.187.
(17) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H.2011, tr.386.
(18) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.222.
(20) Hồ Chí Minh: Bài nói chuyện với anh em trí thức ở lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 21/7/1956, tuyển tập, Nxb Sự thật, H.1960, tr.589.
(24) Báo Thanh niên, số 64, ngày 10/10/1926.
(25) Hồ Chí Minh, tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, H.1980, tr.271.